Lãnh đạo A-ETC tham dự hội thảo “Hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng ĐBSCL và vấn đề phát triển bền vững”.

Lãnh đạo A-ETC tham dự hội thảo “Hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng ĐBSCL và vấn đề phát triển bền vững”.


Ngày 29/7/2023, Giám đốc công ty A-ETC – ông Nguyễn Văn Lâm tham dự buổi hội thảo “Hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng ĐBSCL và vấn đề phát triển bền vững” do Tạp chí Xây dựng tổ chức.

Tại Việt Nam, giải pháp cầu cạn cho xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Với địa hình, địa chất, thủy văn hết sức phức tạp, các công trình nền đường, cống phải xử lý nền đất yếu, xử lý sụt trượt, kiên cố hóa công trình với khối lượng lớn; chậm trễ giải phóng mặt bằng dẫn đến đội vốn và tiến độ kéo dài; thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu….Vì vậy việc làm cao tốc trên cao cũng là một giải pháp phù hợp với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có tình trạng khan hiểm vật liệu cát và đất đắp nền diễn ra vô cùng trầm trọng.

Tại buổi hội thảo, cùng với nhiều diễn giả chia sẻ về các vấn đề xoay quanh sự hiệu quả của việc đầu tư cầu cạn đường cao tốc, sự phát triển bền vững của ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Lâm đã có bài thuyết trình về vấn đề: “So sánh phương án cầu cạn với các phương án nền đường đắp qua vùng đất yếu trong bối cảnh khan hiếm vật liệu đắp nền”.

Ông Lâm cho rằng nếu tiếp tục giải pháp hút cát lòng sông, lấy đất đắp nền cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ để lại nhiều hậu quả.

Thứ nhất, có nguy cơ hạ thấp lòng sông làm giảm lượng phù sa của đồng bằng, ảnh hưởng tới vựa lúa của cả nước.

Thứ hai, việc đắp nền cao tốc cao sẽ cản trở thoát lũ của đồng bằng.

Thứ ba, nếu chỉ thực hiện giải pháp đắp nền cao tốc bằng cát sông sẽ làm cho tình trạng khan hiếm vật liệu trong vùng nghiêm trọng hơn.

Thứ tư, nếu tiếp tục theo lối mòn hút cát sông đắp nền cao tốc sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các dự án cao tốc, quốc lộ.

Trong khi đó, cầu cạn cao tốc có rất nhiều ưu điểm lớn như:

Tiết kiệm rất lớn về diện tích đất. Chỉ cần đất để thi công các cột đỡ, diện tích xung quanh vẫn có thể tận dụng được.

Không tạo ra sự ngăn cách địa lý, không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của các vùng dân cư có cao tốc đi qua.

Đẩy nhanh tiến độ thi công do có thể sản xuất hàng loạt đoạn đường trên cao rồi đưa đến vị trí lắp đặt. Có thể triển khai xây dựng cùng lúc ở nhiều địa điểm khác nhau.

Thúc đẩy phát triển ngành vật liệu xây dựng do sử dụng chủ yếu xi-măng, sắt thép để làm bê-tông thay vì sử dụng đất, cát làm nền.

Nhược điểm lớn nhất của giải pháp này là chi phí xây dựng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Cầu cạn Móng Sến (Sapa) – cầu có trụ cầu cao nhất Việt Nam

Buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đã tìm được giải pháp theo hướng giải quyết cùng một lúc các thách thức phù hợp với các đặc thù của địa bàn cao tốc đi qua. Từ đó, từng bước chỉ ra xây dựng tuyến cao tốc trên cao là một giải pháp không thể bỏ qua, là có cơ sở và khả thi, là phù hợp với đặc thù của vùng ĐBSCL, nhất là ở các đồng lũ, trũng, cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu.

Sẽ càng khả thi nếu có sự đồng lòng đặt lợi ích của ĐBSCL trên lợi ích ngành, lợi ích địa phương. Hiện thực hóa Nghị quyết Đại Hội XIII với trách nhiệm và trí tuệ.